images2279189 BVL a 10

Phối cảnh dự án cầu Mỹ Thuận 2, sẽ đấu nối với cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Kế hoạch khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là tháng 12/2020, nhưng qua ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ đầu tư dự án cũng như ban giải phóng mặt bằng đang khẩn trương rút ngắn thời gian trên tinh thần “khởi công càng sớm càng tốt”.

UBND tỉnh Vĩnh Long và Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt Tổng Công ty Cửu Long- chủ đầu tư) vừa có buổi làm việc liên quan đến đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng để sớm khởi công dự án.

Khẩn trương khởi công

Báo cáo tình hình thực hiện, ông Phan Duy Lai- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cửu Long- cho biết dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT).

Dự án được Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2017 có tổng chiều dài 22,97km, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối giao với QL1, trùng với điểm đầu dự án cầu Cần Thơ. Dự án đi qua địa bàn các huyện Long Hồ, Bình Tân, TX Bình Minh, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) và huyện Châu Thành (Đồng Tháp).

Giai đoạn hoàn thiện đường cao tốc có 6 làn xe với tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư hơn 4.758,7 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 932 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, từ nguồn kế hoạch đầu tư ngân sách trung ương năm 2020.

Tổng khối lượng đất chiếm dụng khoảng 153,56ha; trong đó Vĩnh Long 95,80ha và Đồng Tháp 57,76ha. Công trình có kế hoạch khởi công tháng 12/2020 và hoàn thành vào năm 2022. Theo đó, trước ngày 8/4/2020 sẽ bàn giao hồ sơ thiết kế, file mềm tọa độ cọc cho địa phương và đầu tháng 6 bàn giao cọc bê tông ngoài hiện trường.

Tuy nhiên, theo ông Phan Duy Lai, sau khi làm việc với các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến, không chấp nhận tháng 12 khởi công mà yêu cầu Bộ GTVT rà soát rút ngắn lại thời gian khởi công càng sớm càng tốt.

Vì thế, “Công ty kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Long quan tâm, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh thực hiện giải phóng mặt bằng, lập bản đồ thu hồi đất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2020 khi được giao và chuyển giao công ty phối hợp thực hiện”- ông Phan Duy Lai đồng thời cũng thông tin- hiện nay tư vấn thiết kế đã phối hợp các địa phương rà soát, thỏa thuận bổ sung một số nội dung về phạm vi bố trí đường gom, khẩu độ các cầu, cống… thay đổi so dự án đầu tư ban đầu đã được Bộ GTVT phê duyệt.

Do mới tiếp nhận dự án từ Ban Quản lý dự án Thăng Long nên Tổng Công ty Cửu Long sẽ yêu cầu tư vấn rà soát sẽ thống nhất với tỉnh Vĩnh Long.

Về phía Vĩnh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- ông Trần Hoàng Tựu, cho biết đến nay đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của dự án; thành lập Ban giải phóng mặt bằng dự án làm đầu mối phối hợp với Tổng Công ty Cửu Long trong thực hiện nhiệm vụ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Để nhanh chóng triển khai, ông đề nghị Tổng Công ty Cửu Long sớm giao hồ sơ thiết kế dự án để các địa phương cập nhật, làm cơ sở họp dân công bố triển khai dự án; khẩn trương bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng để tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng; điều chỉnh khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với tình hình thực tế.

Kiến nghị điểm “ghé” Vĩnh Long

Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Hoàng Tựu yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận hỗ trợ tỉnh đầu tư đường dẫn đấu nối từ QL1 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (trước Khu Công nghiệp Hòa Phú) vào đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ hoặc đầu tư nâng cấp 3 cầu trên Đường tỉnh 908 (cầu kinh Bô Kê, cầu Cái Tàu- Sóc Tro, cầu Kinh Tư) để đảm bảo cầu và đường đồng bộ với dự án, nhằm kết nối từ QL1 vào đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

images2279188 BVL a 1

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ điểm cuối giao với QL1, trùng với điểm đầu dự án cầu Cần Thơ.

Trước đó, tại Tờ trình 189/TTr- UBND tỉnh gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, UBND tỉnh trình bày, theo dự kiến trước đây, dự án đường cao tốc có hạng mục xây dựng mới đường dẫn nối từ đường cao tốc với QL1 (tại vị trí trước cổng Khu Công nghiệp Hòa Phú) với chiều dài khoảng 7km và 5 cầu trên tuyến và phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng toàn tuyến.

Tuy nhiên, để giảm tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc, Bộ GTVT đã thống nhất với tỉnh Vĩnh Long không đầu tư tuyến đường dẫn này mà tận dụng Đường tỉnh 908 (cách Khu Công nghiệp Hòa Phú khoảng 1km) với chiều dài khoảng 7km làm đường dẫn từ QL1 vào đường cao tốc (thông qua nút giao với Đường tỉnh 908) và Đường tỉnh 908 được xem là một hạng mục của dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ giai đoạn 1 mà Bộ GTVT phải đầu tư nên việc nâng cấp tải trọng với 3 cầu (kinh Bô Kê, cầu Cái Tàu- Sóc Tro, Kinh Tư) trên Đường tỉnh 908 là cần thiết.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 1862/QĐ-BGTVT ngày 8/10/2019 của Bộ GTVT về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ giai đoạn 1 hình thức PPP, hợp đồng BOT thì điều chỉnh không đầu tư 3 cầu trên tuyến Đường tỉnh 908.

Việc này sẽ làm hạn chế rất lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long, trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa, tham gia giao thông bằng đường bộ tại Khu Công nghiệp Hòa Phú, Cụm Công nghiệp Phú An (trên Đường tỉnh 908) của các doanh nghiệp và người dân địa phương là rất lớn.

Vì thế, tại tờ trình này, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT đầu tư như những dự kiến ban đầu để đảm bảo cầu và đường trên tuyến Đường tỉnh 908 đồng bộ với dự án, nhằm kết nối từ QL1 vào đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.


Ông Trần Hoàng Tựu cho rằng: “Nếu không đầu tư 3 cầu trên Đường tỉnh 908, địa phương sẽ không kết nối được QL1 vào đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, từ đó làm hạn chế rất lớn quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và không phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn”.

Theo: baovinhlong.com.vn