cao toc trung luong my thuan41 6798 1584931136

Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khẳng định nếu được giao sẽ triển khai thi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ trong 24 tháng (Trong ảnh: Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để thông tuyến cuối năm 2020).

Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa đề xuất Thủ tướng đầu tư cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ chỉ 24 tháng, thay vì 41 tháng như dự kiến. Vậy, đề xuất này có khả thi, đặc biệt trong việc thu xếp nguồn vốn cho dự án?

Sẽ thông tuyến 2021, hoàn thành vào năm nay

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài 23 km đi qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Đây là phần quan trọng trong tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ hiện chưa được triển khai.

Dù dự án không đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên nhà đầu tư đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án. Lý do là hiện nay UBND tỉnh Tiền Giang đang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Vì vậy, công ty này đề xuất “Điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ”.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, đề xuất này hoàn toàn phù hợp với luật pháp. Bởi theo quy định tại Khoản 1, Điều 61 Luật Xây dựng: “Khi ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố môi trường… hoặc xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế – xã hội cho dự án thì được điều chỉnh dự án”.

Cũng theo ông Đông, việc này sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư như trong quá trình triển khai dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vừa qua. Việc quyết định điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo đủ các cơ sở pháp lý chặt chẽ. Các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp chỉ tham gia thực hiện GPMB theo quy định của Khoản 1, Điều 32 Nghị định 63/2018.

Để triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ phải trải qua rất nhiều bước. Từ việc sơ tuyển nhà đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư, đàm phán ký hợp đồng dự án, đàm phán ký hợp đồng tín dụng, hoàn thiện giải ngân vốn ngân sách Nhà nước, GPMB, triển khai thi công… “Tổng thời gian để hoàn thiện toàn bộ công việc này phải mất 41 tháng”, ông Đông nói và cho biết, với những tính toán cụ thể, các giải pháp táo bạo, thiết bị thi công đã có sẵn tại dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, sự phối hợp nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư có thể thực hiện dự án trong vòng 24 tháng như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

“Nếu thời điểm này nhà đầu tư được chấp thuận giao dự án, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, đến cuối năm nay bắt tay thi công, quyết tâm thông tuyến trong 2021 và hoàn thành trong 2022”, ông Đông khẳng định.

Tiền đâu để thực hiện?

Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài 23 km, được Bộ Giao thông phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư tại Quyết định 2519 với tổng mức đầu tư 5.370 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông đã tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 2/2018.

Tuy nhiên, do thay đổi về chủ trương hỗ trợ của nhà nước để phù hợp với quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, nên Bộ Giao thông đã ban hành quyết định hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức điều chỉnh dự án. Ngày 8/12/2019, Bộ Giao thông ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ xuống còn 4.758 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ công tác GPMB cho dự án là 923 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 4/3, Thủ tướng đã có Chỉ thị 11 giao Bộ Giao thông chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm như cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án thành phần đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Ông Nguyễn Tấn Đông cho rằng, nếu chuyển dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sang đầu tư công, Nhà nước phải bỏ ra toàn bộ số vốn 4.758 tỷ đồng. Còn nếu dự án được giao cho nhà đầu tư, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ 50%, tức khoảng 2.400 tỷ đồng, phần vốn còn lại chủ đầu tư sẽ huy động. Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả làm đầu mối cùng các đối tác là các nhà đầu tư, nhà thầu tại các dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận… và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Đông cũng khẳng định, ngoài phần vốn nhà nước hỗ trợ, nhà đầu tư sẽ tự huy động vốn tự có, không phải vay vốn tín dụng của ngân hàng. Theo kinh nghiệm tại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, việc thu xếp nguồn vốn ngân hàng phải thực hiện rất nhiều bước như: Thẩm định, hợp vốn, đàm phán ký hợp đồng, giải ngân… thời gian tối thiểu cũng phải 12 tháng. Nếu thực hiện theo phương án của nhà đầu tư đề xuất, thời gian thu phí của dự án sẽ rút ngắn hơn 2 năm, tức chỉ còn 12 năm 6 tháng thay vì 14 năm 8 tháng như ban đầu.

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam lo ngại, nếu chuyển dự án qua đầu tư công thì trình tự thực hiện dự án cũng phải qua nhiều thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của toàn tuyến cao tốc TP HCM – Cần Thơ. “Nếu chuyển sang đầu tư công, việc quan trọng là phải rút được các bài học về việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công và chọn được những nhà thầu có năng lực thì mới đẩy nhanh được tiến độ dự án”, PGS.TS. Trần Chủng nói.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là rất cần thiết, cấp bách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Tỉnh Vĩnh Long rất mong dự án sớm triển khai. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thấy đơn vị thiết kế bàn giao mốc giới để địa phương tiến hành đo đạc, phục vụ công tác GPMB. Với hơn 23 km, nếu triển khai GPMB thuận tiện sẽ mất hơn 6 tháng.

Theo: ndh.vn