Sau khi huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động, thị trấn Lai Uyên đã chính thức đóng vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, đô thị. Những năm qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), nâng cấp phát triển đô thị Lai Uyên. Đến nay, Bàu Bàng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát triển đô thị
Hiện nay, đô thị Lai Uyên đã được công nhận đô thị loại V tại Quyết định số 1555/QĐ-UBND ngày 15-6-2017 của UBND tỉnh và đã được Chính phủ thành lập thị trấn Lai Uyên tại Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH14. Lai Uyên có diện tích hành chính 88,36km², chiếm khoảng 26% diện tích tự nhiên toàn huyện; có vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, sẽ thúc đẩy huyện phát triển. Dân số đô thị (thị trấn Lai Uyên) là 29.707 người, chiếm 31,67% tổng dân số toàn huyện, mật độ dân số 336 người/km². Hiện tại, trong KCN và đô thị Bàu Bàng có 7 khu dân cư với diện tích 1.160 ha đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân. Các khu đô thị, khu dân cư sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo dựng diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng sống cho dân cư. Theo kế hoạch nâng loại đô thị, Lai Uyên sẽ trở thành đô thị loại IV trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết việc công nhận thị trấn Lai Uyên là đô thị loại IV sẽ tạo cơ sở để thực hiện các mục tiêu về phát triển đô thị của tỉnh, mở rộng đầu tư nhằm kết nối về hạ tầng kỹ thuật và kinh tế – xã hội giữa huyện Bàu Bàng và đô thị mới Bến Cát, tạo điều kiện phát triển toàn diện khu vực này, nâng cao điều kiện sống và làm việc, học tập cho người dân. Đồng thời đây còn là cơ sở để tạo điều kiện tập trung vốn đầu tư có trọng tâm về cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật cho các khu vực xung quanh nhằm bảo đảm đạt các tiêu chí phân loại đô thị. Bên cạnh đó, việc nâng cấp thị trấn Lai Uyên lên đô thị loại IV sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để quản lý chặt chẽ việc đầu tư và xây dựng trong khu vực đúng định hướng chung, từng bước hình thành các đô thị với nét đặc trưng riêng, có bản sắc, có định hướng phát triển cụ thể, tiến tới lập quy hoạch phân khu hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị”.
Thúc đẩy thu hút đầu tư
Thời gian qua huyện Bàu Bàng đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sau khi huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động, thị trấn Lai Uyên đã chính thức đóng vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, đô thị. Việc đẩy mạnh nâng cấp phát triển đô thị trở thành một trong những mục tiêu, động lực để Bàu Bàng thu hút đầu tư.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: KCN KHCN ở huyện Bàu Bàng là điểm sáng của Thành phố thông minh Bình Dương. Nó sẽ tạo ra sự đột phá và sức bật mới cho Vùng đổi mới sáng tạo, cũng như sự phát triển chung của địa phương khi quy tụ được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà và nguồn lực, chất xám từ bên ngoài”. |
Huyện Bàu Bàng quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ góp phần đạt các tiêu chí nâng cấp đô thị, đồng thời góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. KCN và đô thị Bàu Bàng với quy mô diện tích lên tới 3.200 ha được Becamex IDC đầu tư xây dựng với quy mô đồng bộ, hạ tầng hoàn chỉnh, tạo đà phát triển mạnh mẽ để Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm công nghiệp lớn của Bình Dương.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được huyện tập trung đầu tư và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm. Đến nay, huyện Bàu Bàng đã đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường huyện đạt 100%; nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường xã được 213,173km, đạt 47,48%. Bàu Bàng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, mang tính liên kết, kết nối giữa các vùng, khu vực trong tỉnh như đường tạo lực Mỹ Phước – Bàu Bàng đã đưa vào khai thác, sử dụng; Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hạ tầng điện, nước và các hạ tầng kỹ thuật khác cũng được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, Bàu Bàng ngày càng có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn đầu tư, như Tập đoàn Kolon Industries triển khai dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD ở khu đất gần 42 ha tại KCN Bàu Bàng mở rộng; Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đãđầu tư vàđi vào hoạt động giai đoạn 1 với tổng vốn gần 800 triệu USD vàđang triển khai dựán giai đoạn 2 với tổng diện tích 2 giai đoạn gần 220 ha tại KCN Bàu Bàng, tổng vốn 2 giai đoạn ước tính hơn 1,3 tỷUSD…
Đặc biệt, huyện đang được tỉnh đẩy mạnh triển khai xây dựng và phát triển KCN khoa học công nghệ (KHCN) thuộc Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. KCN này được kỳ vọng sẽ là một cú “hích” mạnh để đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng đất mới; đồng thời sẽ là “đòn bẩy” để thu hút đầu tư, tạo động lực để phát triển công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.
Ông Võ Thành Giàu cho biết thêm: “Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trong phát triển công nghiệp, đô thị, kinh tế của huyện cơ bản đã hoàn chỉnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết vùng và phát triển kinh tế – xã hội của huyện nói riêng và tỉnh nói chung. Thời gian tới, huyện Bàu Bàng tiếp tục tập trung cao độ cho việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư”.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bàu Bàng đã thu hút được 14 dự án đăng ký mới và 3 dự án đăng ký tăng thêm vốn là 26 triệu USD. Nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay là 1.257 dự án, trong đó thu hút đầu tư trong nước 1.042 dự án với tổng vốn đăng ký 40.450 tỷ 880 triệu đồng; thu hút đầu tư nước ngoài là 215 dự án với tổng vốn đăng ký 4 tỷ 646,8 triệu USD.
PHƯƠNG LÊ – HÀ KHÁNH