Đầu tư công phát triển hạ tầng giao thông, cùng với nguồn vốn FDI được “bơm” mạnh vào Long An, giúp thị trường bất động sản tỉnh này đang được hưởng lợi lớn sau đại dịch Covid-19.

Đột phá thu hút FDI

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2021.

Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD tại huyện Cần Giuộc (chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An).

Cần Giuộc từ lâu đã là điểm thu hút đầu tư vào hàng loạt các khu công nghiệp. Đây là địa phương giáp ranh TP HCM duy nhất sở hữu cảng biển quốc tế. Điều này giúp Cần Giuộc không chỉ là cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là cửa ngõ giao thương ra quốc tế.

Ngoài ra, Cần Giuộc còn được hưởng lợi từ việc quy hoạch siêu khu kinh tế, vừa được Ban quản lý Khu kinh tế Long An đề xuất. Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.

so do khu kinh te long an 1
Sơ đồ Khu Kinh tế Long An 32.000 ha tại Cần Giuộc và Cần Đước.

Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc (chiếm gần 2/3 diện tích quy hoạch) và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông…

Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp – cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.

Lực đẩy hạ tầng giao thông

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh này chuẩn bị đầu tư 3 dự án giao thông huyết mạch kết nối giữa địa phương với TP HCM, đồng bằng sông Cửu Long và giữa các vùng kinh tế trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trong số 3 dự án này, có 2 dự án kết nối từ đầu mối Cần Giuộc là trục động lực kết nối TP HCM – Long An – Tiền Giang (ĐT827E) và trục kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhau và cảng quốc tế Long An.

can giuoc

Hạ tầng giao thông kết nối được chú trọng đầu tư tại Long An.

Được biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An xác định trong 5 năm tới là đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Long An, tuyến ĐT827E dự kiến được đầu tư có ý nghĩa chiến lược, nâng tầm hệ thống GTVT của tỉnh. Tuyến đường động lực này sẽ kéo dài qua tỉnh Tiền Giang, Long An và TP HCM. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài nhất, dự kiến khoảng 35 km, kết nối với tỉnh Tiền Giang tại huyện Châu Thành, qua Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc trước khi kéo dài đến TP HCM.

Bên cạnh đó, khi các quy hoạch hạ tầng quan trọng như Vành đai 3 & 4, cao tốc Bến Lức – Long Thành, tuyến Metro số 4… đi vào hoàn thiện trong thời gian tới, Cần Giuộc sẽ sở hữu hệ thống giao thông liên vùng thuận lợi đến TP HCM cũng như các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đánh giá về tiềm năng bất động sản của vùng ven TP HCM, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông giúp kết nối, đi lại thuận tiện, do đó khoảng cách sẽ không còn là vấn đề lớn để lựa chọn một bất động sản. Vùng ven TP HCM còn có lợi thế khi mặt bằng giá đất vẫn đang ở mức thấp, nên dư địa tăng trưởng còn nhiều.

Do vậy, những khu vực có hạ tầng giao thông kết nối tốt, vẫn sẽ nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư bất động sản.