Các đại gia địa ốc rủ nhau lên Bảo Lộc

Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), hàng loạt ông lớn địa ốc bắt đầu triển khai những kế hoạch tìm kiếm quỹ đất và cơ hội đầu tư từ khoảng đầu 2019 đến nay. Theo khảo sát, hiện nơi đây đang có 48 dự án của hơn 20 nhà đầu tư lớn đến từ khắp các vùng trên cả nước.

Theo thông tin của UBND tỉnh Lâm Đồng, TP. Bảo Lộc đã thu hút những cái tên lớn đổ về đây tìm hiểu đầu tư dự án. Đứng đầu danh sách có thể kể đến là Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Ecopark, Văn Phú – Invest, T&T…

Mới đây nhất, hồi tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Novaland đã đến tìm hiểu và dự định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cũng như nông nghiệp công nghệ cao và hàng tiêu dùng. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ thành phố trong việc tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và triển khai quy hoạch phân khu.

Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng tiến về Bảo Lộc để mở rộng thị phần khi các quỹ đất dự án ở TPHCM phải mất nhiều thời gian chuẩn bị pháp lý. Hưng Thịnh nghiên cứu đầu tư dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi Sapung với diện tích khoảng 432.3ha, tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.692 tỷ đồng.

Tập đoàn Him Lam hiện đang hướng đến việc đầu tư một số dự án ở phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc – Nam, khu đô thị du lịch “Thiên đường mắc ca” có tổng diện tích hơn 187 ha ở khu vực phía Nam TP. Bảo Lộc thuộc các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga và xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm).

Một “ông lớn” dẫn dắt thị trường bất động sản xanh tại phía Bắc là Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư các dự án trọng điểm. Đại diện tập đoàn này đánh giá cao những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng cho Bảo Lộc, cũng như ý tưởng quy hoạch xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố sinh thái, dịch vụ trong thời gian tới theo định hướng phát triển của địa phương. Theo đó, Ecopark hướng đến 2 dự án đầu tư tại địa phương này án là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung với quy mô hơn 2.500 ha và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2 (quy mô khoảng 390 ha, tại Phường 1 và phường Lộc Phát).

Trong khi đó, Văn Phú Invest có tham vọng lớn khi vừa đề xuất đầu tư vào 3 dự án bao gồm: Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2 có diện tích khoảng 84ha; Nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát với quy mô khoảng 50 – 100 ha, hình thành sân bay cấp 3C; Quy hoạch xây dựng Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc. Ngoài ra, Tập đoàn T&T cũng có kế hoạch đầu tư khu đô thị và dự án trồng cây ăn quả ở địa phương này với quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng.

Các đại gia địa ốc rủ nhau lên Bảo Lộc - Ảnh 1.

Bảo Lộc trở thành “bến đỗ” mới cho các ông lớn địa ốc cũng như nhà đầu tư với hàng loạt dự tầm cỡ.

Với mục tiêu xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, các dự án trên sẽ là “bệ phóng” giúp kích cầu cho địa phương phát triển, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Bảo Lộc trên đà trở thành đô thị cấp vùng

Lý giải cho cuộc “đại di cư” của loạt ông lớn vào TP. Bảo Lộc, các chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 khiến hành vi của con người có nhiều thay đổi để thích nghi, từ thói quen di chuyển đến cách đi du lịch và đặc biệt là “gu” bất động sản. Đây cũng là thời điểm mà xu hướng về với thiên nhiên trở nên phổ biến. Và Bảo Lộc giờ đây là đang dẫn đầu xu thế này khi sở hữu nhiều lợi thế sẵn có cùng chính sách phát triển và định hướng bài bản của địa phương.

Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 – 2050, Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam, trung tâm Tiểu vùng III, trung tâm công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và là trung tâm dịch vụ – thương mại tổng hợp cấp vùng. Trước mắt, thành phố đang có định hướng phát triển ngắn hạn là trở thành thành phố thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại II, có hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới.

Ngoài ra, thông tin thành phố Bảo Lộc sẽ quy hoạch mở rộng ra các vùng phụ cận, trong đó có xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm để đẩy mạnh phát triển toàn diện, hoàn thiện mục tiêu trở thành đô thị loại II và hướng đến tầm nhìn trở thành đô thị loại I đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản đến với thị trường này.

Ưu thế về tự nhiên, quỹ đất rộng, mức giá mềm, hạ tầng đầu tư bài bản, quy hoạch chuẩn mực và trên hết là định hướng phát triển của địa phương phù hợp… đã giúp Bảo Lộc thu hút nhiều đại gia địa ốc. Giờ đây, họ sẵn sàng đầu tư phát triển những dự án quy mô lớn nhằm đem đến diện mạo mới, đưa Bảo Lộc xứng tầm là trung tâm kinh tế – xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế