Nhờ vị trí địa lý, hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn, năm 2021, Long An là địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 3,84 tỉ USD.

Long An đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI

Với vị trí địa lý đắc địa, tài nguyên đất đai dồi dào, môi trường đầu tư thông thoáng, những năm gần đây, Long An trở thành nơi đến hấp dẫn, hiệu quả của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam có biểu hiện sụt giảm, nhưng Long An vẫn là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), năm 2021, Long An là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với vốn đầu tư là 3,84 tỉ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Một trong những dự án đặc biệt quan trọng được tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2021 là dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD tại huyện Cần Giuộc.

Hiện Long An có khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Singapore là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư vào tỉnh, tiếp theo là các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn là năng lượng, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp chế tạo… Long An có trên 50% số dự án FDI nằm trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Thời gian tới, Long An được dự báo sẽ đón nhận nhiều hơn nữa vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI đang mở rộng sản xuất, kinh doanh tại nhiều khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Huỳnh Văn Sơn, Long An có nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, kinh tế phát triển ổn định và kết nối thông thương với các khu vực lân cận. Trong chiến lược phát triển, tỉnh quy hoạch 3 vùng rõ rệt. Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ đó, Long An trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư. Đến nay, tỉnh thu hút 2.113 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 251.614 tỉ đồng; 1.124 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 9,3 tỉ USD. Đây là kết quả sau thời gian dài tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư.

BDS long An 5Thời gian qua, nguồn vốn FDI vào Long An liên tục tăng mạnh

Bất động sản Cần Giuộc tăng tốc đón “sóng”

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Long An khả quan được xem đòn bẩy cho thị trường bất động sản phát triển. Trong đó, Cần Giuộc với vị trí chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút FDI cao nhất tỉnh Long An… nhưng mặt bằng giá còn thấp là những yếu tố giúp thị trường bất động sản tại đây bùng nổ.

Theo các chuyên gia, Cần Giuộc từ lâu đã là điểm thu hút đầu tư vào hàng loạt các khu công nghiệp. Đây là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn nhất khu vực, có thể kể đến như KCN Tân Kim (167,7 ha), KCN Long Hậu (324 ha), KCN Bắc Tân Tập (1.000 ha). Đặc biệt, Cần Giuộc sở hữu cảng Quốc tế Long An (147 ha), KCN Fulu, KCN Hiệp Phước… cùng nhiều khu nhà máy, xí nghiệp, xưởng lớn nhỏ.

Cần Giuộc còn là địa phương giáp ranh TP.HCM duy nhất có địa thế liền kề khu đô thị – cảng quốc tế Hiệp Phước (Nhà Bè). Đây là một trong những khu kinh tế cảng biển lớn nhất TP.HCM gồm các cụm cảng nằm dọc theo sông Soài Rạp như: cảng container quốc tế SPCT, Tân cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An, khu công nghiệp Hiệp Phước… thu hút hàng trăm dự án đầu tư và tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Điều này giúp Cần Giuộc không chỉ là cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh đồng bằng song Cửu Long mà còn là cửa ngõ giao thương ra quốc tế.

Đặc biệt, từ đầu tháng 11/2021 đến nay, khu vực Long Hậu – Cần Giuộc đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ hạ tầng và khu công nghiệp. Cụ thể, đầu tháng 11/2021, Sở Giao thông vận tải Long An ra văn bản chính thức khởi công xây dựng cống Bà Đằng và cống Tân Khánh. Giai đoạn 1 thi công phần cống ngang và phần đường, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2022. Đây là những hạng mục đầu tiên thuộc thành phần 1 trong dự án mở rộng đường ĐT826E, có tổng vốn đầu tư 533 tỷ đồng.

Dự án đường ĐT826E đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt gồm 2 dự án thành phần. Sau khi nâng cấp, mở rộng, tuyến đường có chiều dài gần 3km, rộng 40m, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu giao với ĐT826C (đường Lê Văn Lương nối dài từ Nhà Bè – TP HCM đến Long Hậu – Cần Giuộc), điểm cuối nối dài vào đường Long Hậu, thẳng đến khu công nghiệp Long Hậu.

UBND tỉnh Long An cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục khởi công đường dẫn từ cầu Rạch Dơi đến ĐT826E. Trước đó, Long An đã thống nhất với TP.HCM phương án xây dựng cầu Rạch Dơi kết nối Long Hậu và Nhà Bè trong giai đoạn 2021-2025.

Về phía TP.HCM, đường Lê Văn Lương cũng sẽ được mở rộng lên 6 – 8 làn xe, lộ giới 40m. Đoạn qua Nhà Bè đã có kế hoạch xây mới cả 4 cầu Rạch Đĩa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ hợp thành chuỗi giao thông thông suốt từ Phú Mỹ Hưng, quận 7- khu đô thị cảng Hiệp Phước, Nhà Bè đến khu công nghiệp Long Hậu, Cần Giuộc. Kết nối thuận tiện với khu Nam Sài Gòn, Long Hậu, Cần Giuộc được kỳ vọng hưởng lợi từ tốc độ đô thị hóa khu vực Nhà Bè cũng như cú hích hạ tầng và lực đẩy kinh tế của khu công nghiệp. Điều này tạo nên sức hút và đà tăng trưởng bền vững cho bất động sản Long Hậu, Cần Giuộc, đặc biệt khi mặt bằng giá đất địa phương này vẫn đang ở mức thấp.

Diệu Phan

Theo Realtimes